cskh@atld.vn 0917267397
Nghị quyết 24/2021/NQ-HĐND về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2021/NQ-HĐND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 12 năm 2021

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐIỀU CHỈNH MỨC THU PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NƯỚC THẢI CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Phí và Lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

Xét Tờ trình số 4038/TTr-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Báo cáo thẩm tra số 852/BC-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố và ý kiến thống nhất của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân thành phố thống nhất điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

1. Đối tượng thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp: tất cả các nhà máy, địa điểm, cơ sở sản xuất, chế biến được quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (sau đây gọi chung là cơ sở).

2. Trường hợp không thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp: nước thải của các hệ thống xử lý nước thải tập trung do ngân sách thành phố thanh toán chi phí xử lý nước thải.

3. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp

a) Đối với cơ sở có lưu lượng xả thải dưới 5 m3/ngày, sử dụng 100% nước sạch từ đơn vị cung cấp nước sạch và chỉ phát sinh nước thải sinh hoạt trong quá trình hoạt động: thực hiện nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp bằng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thông qua hóa đơn tiền nước hàng tháng của cơ sở.

b) Đối với cơ sở không có xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra nguồn tiếp nhận; mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được tính bằng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cơ sở phải thực hiện xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải theo Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác (nếu có).

c) Đối với cơ sở có xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra nguồn tiếp nhận, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp như sau:

- Đối với cơ sở thuộc đối tượng thu phí nêu tại khoản 1 Điều này có tổng lượng nước thải trung bình dưới 5 m3/ngày (24 giờ): áp dụng mức thu phí cố định f = 2.500.000 đồng/năm.

- Đối với cơ sở thuộc đối tượng thu phí nêu tại khoản 1 Điều này có tổng lượng nước thải trung bình từ 5 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ): áp dụng mức thu phí cố định f = 3.000.000 đồng/năm.

- Đối với cơ sở thuộc đối tượng thu phí nêu tại khoản 1 Điều này có tổng lượng nước thải trung bình từ 10 m3/ngày (24 giờ) trở lên sẽ tính phí theo công thức sau:

F = (f x K) + C

Trong đó:

+ F là số phí phải nộp (đồng)

+ f = 3.000.000 đồng

+ K là hệ số lưu lượng xả thải

+ C là số phí biến đổi phải nộp

• Công thức tính hệ số K:

Hệ số K được tính theo công thức sau:

K=

Lưu lượng xả thải (m3/ngày đêm)

10

• Công thức tính số phí biến đổi C:

Số phí biến đổi (C) được tính cho từng chất gây ô nhiễm theo công thức sau (áp dụng theo quy định tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP):

Số phí biến đổi C (đồng)

=

Tổng lượng nước thải vào nguồn tiếp nhận (m3)

x

Hàm lượng thông số ô nhiễm có trong nước thải (mg/l)

x

0,001

x

Mức thu phí của thông số ô nhiễm (đồng/kg)

4. Thẩm định Tờ khai phí Bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp

Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được thẩm định trên 03 dữ liệu là tổng lượng nước thải thải vào nguồn tiếp nhận, hàm lượng thông số ô nhiễm có trong nước thải và mức thu phí của thông số ô nhiễm.

a) Phương pháp xác định lượng nước thải ra:

- Đối với cơ sở thuộc đối tượng thực hiện quan trắc nước thải định kỳ theo quy định pháp luật:

+ Tổng lượng nước thải được xác định căn cứ vào 1 trong 3 nguồn dữ liệu sau:

(i) Kết quả thực tế của đồng hồ, thiết bị đo lưu lượng;

(ii) Tính bằng 80% lượng nước sử dụng;

(iii) Thông tin có trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, Quyết định phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường.

+ Trường hợp có 2 nguồn dữ liệu ((i) và (ii) hoặc (i) và (iii)) hoặc cả 3 nguồn dữ liệu thì sử dụng nguồn dữ liệu (i). Trường hợp có 02 nguồn dữ liệu (ii) và (iii) thì sử dụng nguồn dữ liệu (ii).

- Đối với cơ sở thuộc đối tượng thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định pháp luật: Tổng lượng nước thải của cơ sở được tính theo giá trị trung bình ngày (24 giờ) của các kết quả đo.

b) Phương pháp xác định hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải:

Hàm lượng thông số ô nhiễm có trong nước thải được xác định căn cứ vào 1 trong 3 nguồn dữ liệu sau:

(i) Kết quả đo đạc của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hoặc kết quả kiểm tra, thanh tra gần nhất nhưng không quá 12 tháng tính đến thời điểm khai, nộp phí;

(ii) Số liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục: hàm lượng các thông số ô nhiễm tính phí được tính theo giá trị trung bình ngày (24 giờ) của các kết quả đo;

(iii) Số liệu quan trắc nước thải định kỳ;

Trường hợp có 2 nguồn dữ liệu ((i) và (ii) hoặc (i) và (iii)) hoặc cả 3 nguồn dữ liệu thì sử dụng nguồn dữ liệu (i). Trường hợp có 02 nguồn dữ liệu (ii) và (iii) thì sử dụng nguồn dữ liệu (ii) (phải đảm bảo hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục được bảo trì, bảo dưỡng, hiệu chỉnh định kỳ).

a) Hàm lượng thông số ô nhiễm và mức thu phí đối với mỗi chất theo biểu dưới đây:

Số TT

Thông số ô nhiễm tính phí

Mức phí (đồng/kg)

1

Nhu cầu ô xy hóa học (COD)

2.000

2

Chất rắn lơ lửng (TSS)

2.400

3

Thủy ngân (Hg)

20.000.000

4

Chì (Pb)

1.000.000

5

Arsenic (As)

2.000.000

6

Cadmium (Cd)

2.000.000

5. Cơ quan thu phí, chứng từ thu phí, quản lý và sử dụng nguồn thu

a) Cơ quan thu phí

- Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh của cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày (24 giờ) trở lên.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thành phố Thủ Đức thực hiện thu Phí Bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn quản lý của cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ).

- Đơn vị cung cấp nước sạch thực hiện thu hộ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của cơ sở có mức phí bằng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (được quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết này) thông qua hóa đơn tiền nước đối với các cơ sở sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Để tránh việc trùng thu, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thành phố Thủ Đức thống kê các cơ sở do cơ quan mình thu phí chuyển đơn vị cung cấp nước sạch để không thực hiện thu phí trên hóa đơn tiền nước. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có thay đổi số lượng cơ sở khác với danh sách thống kê lần đầu thì các cơ quan được giao nhiệm vụ thu phí có văn bản thông báo cho đơn vị cung cấp nước sạch để phối hợp đảm bảo thu đúng, thu đủ, tránh trùng thu.

b) Chứng từ thu phí: Sử dụng Biên lai thu phí và lệ phí do cơ quan Thuế phát hành.

c) Quản lý và sử dụng nguồn thu: Thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

6. Xử lý vi phạm

- Các trường hợp vi phạm về kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

- Các cơ sở xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép (Quy chuẩn xả thải của các cơ sở được căn cứ theo các Giấy phép môi trường đã được cơ quan quản lý môi trường cấp theo quy định): Phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và chấp hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

7. Thời gian thực hiện: kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết này, đảm bảo thu đúng, thu đủ, công khai, minh bạch và kịp thời. Có phương pháp kiểm soát xả thải, kể cả các cơ sở khai thác nước ngầm hiệu quả, làm cơ sở xác định mức thu dự kiến theo phương án đề xuất điều chỉnh mức phí, vừa đảm bảo yêu cầu thu đúng, thu đủ các đối tượng xả thải trên địa bàn thành phố theo quy định, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước đã qua xử lý, hạn chế xả thải và hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường, tạo sự công bằng, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ nộp phí của các cơ sở xả thải.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân thành phố./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra Văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh;
- Thường trực HĐND Thành phố Hồ Chí Minh;
- UBND Thành phố Hồ Chí Minh: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch;
- Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố Hồ Chí Minh
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng ĐĐBQH và HĐND Thành phố Hồ Chí Minh;
- Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh;
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố Hồ Chí Minh;
- Thường trực HĐND thành phố Thủ Đức và các huyện;
- UBND, UBMTTQVN thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Trung tâm Công báo Thành phố Hồ Chí Minh;
- Lưu: VT, (P.CTHĐ-Tú).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Lệ

Click vào phần bôi vàng để xem thay đổi chi tiết