cskh@atld.vn 0917267397
Công văn 388/BCT-ATMT hướng dẫn triển khai tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 do Bộ Công thương ban hành

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 388/BCT-ATMT
V/v hướng dẫn triển khai tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2023

 

Kính gửi:

- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Tập đoàn, Tổng công ty;
- Các Viện, Trường và đơn vị trực thuộc Bộ.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016 về việc tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và hướng dẫn của Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương (Công văn số 4881/KH-BCĐTƯ ngày 28 tháng 11 năm 2022), Bộ Công Thương hướng dẫn các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty thuộc ngành Công Thương và các đơn vị trực thuộc Bộ (sau đây gọi tắt là đơn vị) triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 như sau:

A. HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI THÁNG HÀNH ĐỘNG VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG

1. Chủ đề

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm trong công tác đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn, hài hòa, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 được phát động với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc.

2. Thời gian tổ chức

Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 31 tháng 5 năm 2023.

Lễ phát động Tháng hành động ATVSLĐ tại Trung ương kết hợp Tháng công nhân năm 2023: Dự kiến được tổ chức vào sáng ngày 28 tháng 4 năm 2023 tại thành phố Hà Nội.

3. Yêu cầu và nội dung hưởng ứng

Các đơn vị lập kế hoạch, nội dung, kinh phí tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của đơn vị đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm như sau:

- Rà soát xây dựng, bổ sung các qui trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá rủi ro về an toàn đối vái các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

- Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về ATVSLĐ - PCCN để phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ rủi ro, tai nạn đảm bảo ATVSLĐ -PCCN tại nơi làm việc.

- Tổ chức thông tin tuyên truyền, phát động các phong trào thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - PCCN tại đơn vị. Tăng cường các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ để thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách, các nguyên nhân, nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ.

- Thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ-PCCN theo quy định, huấn luyện kỹ năng đánh giá, nhận diện các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về công tác ATVSLĐ-PCCN. - Chú trọng thông tin, tư vấn, tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động nhận diện, đánh giá nguy có, rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở, tổ, đội, phân xưởng, nhà máy, các công trình xây dựng, giao thông nơi đông người qua lại, các trung tâm thương mại, trường học, khu dân cư về đảm bảo an toàn trong lao động; chủ động trong công tác phòng ngừa, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động.

- Tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về an toàn; thực hành sơ cấp cứu.

- Thực hiện công tác kiểm tra, tự kiểm tra nhằm phát hiện và kịp thời khắc phục những nguy cơ mất an toàn, xử lý các vi phạm về ATVSLĐ -PCCN. Tổ chức các hoạt động có sự tham gia phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, người sử dụng lao động, người lao động, an toàn vệ sinh viên như: tọa đàm, đối thoại, hội thi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình về ATVSLĐ.

- Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Thực hiện nghiêm túc việc khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động theo quy định pháp luật hiện hành.

- Tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình, nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Quan tâm, chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa TNLĐ, BNN; đẩy mạnh các hoạt động đối thoại, triển khai các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng tại nơi làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, môi trường làm việc an toàn, thân thiện.

B. THỜI GIAN

Các đơn vị lập Kế hoạch hưởng ứng tháng hành động về ATVSLĐ gửi về Bộ Công Thương (qua Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) trước ngày 24 tháng 02 năm 2023, trong kế hoạch phải thể hiện rõ nội dung của các giai đoạn, trước, trong và sau khi tổ chức các hoạt động Tháng hành động.

Sau khi kết thúc tháng hành động, các đơn vị phải thực hiện tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ trước ngày 14 tháng 7 năm 2023 về Bộ Công Thương qua Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) theo mẫu quy định tại Phụ lục Thông tư số 02/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 02 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Công đoàn CTVN (để phối hợp thực hiện);
- Lưu: VT, ATMT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Sinh Nhật Tân

Click vào phần bôi vàng để xem thay đổi chi tiết